Ân xá Quốc tế kêu gọi Thái Lan thả 168 người Thượng xin tị nạn

RFA
2018.09.03
000_HKG2004072661455.jpg Hình minh hoạ. Một gia đình người Thượng dọn vào nhà an toàn của UN ở Phnom Penh hôm 26/7/2004.
AFP

Ngày 3 tháng 9 năm 2018, đến lượt tổ chức Ân xá Quốc tế - Amnesty International viết thư ngỏ gửi cho chính quyền quân đội Thái Lan, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho 168 người sắc tộc thiểu số Việt Nam và Campuchia bị bắt hồi tuần trước khi đang tìm kiếm quy chế tị nạn hoặc đã có quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở quốc gia này.

Bức thư đứng tên Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân Xá Quốc Tế - ông Minar Pimple, nêu lên vấn nạn về việc đối xử và trục xuất của chính phủ Thái Lan trong quá khứ đối với những người xin tị nạn hoặc người đã có quy chế tị nạn, nhưng đáng tiếc là tổ chức này đã thấy sự vắng mặt của các tiến triển cụ thể trong việc bảo vệ người xin tị nạn ở Thái Lan.

Trước đó, vào ngày 30/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng ra thông cáo yêu cầu chính quyền Thái Lan trả tự do cho những người Thượng vừa bị bắt giữ.

Theo thông tin từ tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động nhằm chống lại mọi sự vi phạm nhân quyền cho hay, hôm 28 tháng 8, Bộ tư lệnh An ninh nội địa Thái Lan và các cơ quan khác thuộc Bộ Nội vụ đã đột kích một khu dân cư ở quận Bang Yai thuộc tỉnh Nonthaburi, ngoại ô Bangkok bắt giữ ít nhất 168 người tị nạn và những người đang xin quy chế tị nạn.

Đây là những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số người Thượng đã trốn khỏi các cuộc bức hại chính trị và tôn giáo ở Campuchia và Việt Nam, sau đó chính quyền Thái đã chuyển họ đến văn phòng quận Bang Yai.

Theo quan sát của tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy có ít nhất 63 trẻ em từ ba tháng tuổi đến 17 tuổi, và hai phụ nữ mang thai bị giam giữ ở đó.

Nhiều người bị bắt và giam giữ nói rằng họ đã được công nhận là người tị nạn từ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và cung cấp thẻ tình trạng tị nạn cho chính quyền Thái Lan, trong khi những người khác mang thẻ tìm kiếm quy chế tị nạn.

Tuy nhiên, chính quyền quân đội tuyên bố không có cá nhân nào được UNHCR công nhận bị bắt giữ.

Có 34 người Thượng quốc tịch Campuchia trong cùng ngày 28 tháng 8 bị chuyển đến Trung tâm giam giữ di trú IDC ở Suan Plu - Bangkok và đối diện với nguy cơ bị trục xuất hoặc giam giữ vô thời hạn.

Số người Thượng quốc tịch Việt Nam còn lại bị đưa ra tòa trong 2 ngày 29 và 30 tháng 8. Họ bị cáo buộc tội nhập cảnh và sống bất hợp pháp và phải đóng số tiền phạt là 5000 baht, tức khoảng 150 USD.

Số người này đang phải thi hành án tù thay vì đóng phạt tại Trung tâm giam giữ Pathumthani gần Bangkok. Tổ chức Ân xá Quốc tế lưu ý rằng, trước khi bị đưa ra tòa, tất cả các phụ huynh đều bị buộc phải ký tên vào văn bản đồng ý với việc chia cách với con cái họ bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu và nội dung đó chưa được thông báo đầy đủ.

Thư ngỏ của Ân xá Quốc tế gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, Cục trưởng Cục cảnh sát di trú, Cơ quan Đặc vụ đề nghị 5 điểm trong đó có các vấn đề như Thái Lan cần đảm bảo rằng những người tìm kiếm tị nạn chỉ bị giam giữ như một phương sách cuối cùng và thực sự cần thiết, sau một đánh giá cá nhân hóa về nhu cầu nhân đạo của họ và những rủi ro nếu họ ở ngoài tự do, và trong khoảng thời gian ít nhất cần thiết.

Một đề nghị khác là chính quyền quân đội cần đảm bảo rằng trẻ em không bao giờ bị giam giữ chỉ vì các mục đích liên quan đến di trú, vì việc giam giữ đó không bao giờ có thể là vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Dừng ngay việc cưỡng chế việc tách biệt trẻ em khỏi cha mẹ hoặc người giám hộ trong tất cả các trường hợp liên quan đến di cư.

Thái Lan là nước không ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tị nạn.

Theo Ân xá Quốc tế, người Thượng là một khái niệm lỏng lẻo chỉ các nhóm dân tộc theo Tin Lành sống ở Cao Nguyên Việt Nam và ở Campuchia.

Họ là sắc dân thiểu số bị đàn áp và bức hại nhiều nhất ở Việt Nam, họ cũng phải đối mặt với một chiến dịch đàn áp có hệ thống, đang diễn ra chống lại tín ngưỡng tôn giáo và chính trị của mình.

Ở Campuchia, chính phủ đề cập đến người Jarai, một trong những bộ lạc người Thượng sống ở Campuchia, như một "dân tộc thiểu số của Việt Nam".

Đã có hơn một trăm người Thượng Việt Nam xin tị nạn tại Campuchia bị buộc phải quay về Việt Nam trong thời gian gần đây.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại, nếu bị đưa trở về Việt Nam, những người Thượng này sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng, bị bức hại và bị cầm tù vô thời hạn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.