Kỹ sư Việt Nam thành đạt chia sẻ kinh nghiệm du học và làm việc ở Nhật

Chụp lại video, Du học Nhật Bản: làm sao để thành công?

Sang Nhật du học năm 2009, kỹ sư Trần Quốc Toản hiện đang là quyền trưởng phòng nhóm sản xuất 2 của ITO TEKKO, một công ty sản xuất thiết bị cảnh quan đô thị ở thành phố Kawaguchi, Nhật Bản.

Quê ở Hà Nam, anh Toản nay phụ trách một nhóm 30-40 công nhân người Nhật.

Anh chia sẻ với BBC kinh nghiệm du học, cảm nhận về cuộc sống ở Nhật và những dự định trong tương lai.

Khi mới sang Nhật, Trần Quốc Toản học hai năm tiếng Nhật tại thành phố Morioka, một thành phố nhỏ phía Bắc nước Nhật.

Anh cho biết mình được 'các anh chị khóa trước giúp đỡ rất nhiều'.

"Khi mới sang, tất nhiên là tiếng Nhật cũng còn bỡ ngỡ, công việc thì cũng phải đi làm thêm, hay khi giao tiếp với mọi người thì tiếng tăm không rõ nên rất khó lúc ban đầu, " Toản kể.

"Nhưng sau nửa năm em có thể hòa nhập với cuộc sống ở thành phố nhỏ ở phía Bắc nước Nhật."

Sau đó anh vào học ngành cơ khí ở một trường đại học quốc lập, trong một khóa có 96 người Nhật và chỉ có anh và một người nữa là người ngoại quốc.

Vì giáo trình hoàn toàn là của người Nhật, anh Toản phải nỗ lực rất nhiều vì học một năm rưỡi đến hai năm tiếng Nhật cũng chưa đủ.

Sau một thời gian, anh bắt kịp được với các sinh viên người Nhật và đạt những thành tích học tập không thua kém họ.

Anh Trần Quốc Toản (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp trường tiếng Nhật năm 2011.
Chụp lại hình ảnh, Anh Trần Quốc Toản (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp trường tiếng Nhật năm 2011

Người Nhật có e ngại du học sinh người Việt?

Anh Toản cho biết, khi anh mới sang Nhật 10 năm trước, người dân ở thành phố Morioka nơi anh học tập vẫn rất e ngại người nước ngoài.

"Ví dụ đơn giản như cho thuê nhà thì họ sợ các bạn ở bẩn, hay sợ các bạn vứt rác bừa bãi không phân loại rác đúng.

"Nhưng bây giờ thì họ đã quen với du học sinh bọn em và người ta giúp đỡ còn nhiều hơn trước rất nhiều. Ra đường có khi người ta còn chào mình trước."

Tuy nhiên, anh cũng cho biết thái độ của người Nhật với người nước ngoài ở các thành phố lớn như Tokyo thì có khác.

"Vì người ngoại quốc đông, và gây mất trật tự rất là nhiều nên em thấy sự kỳ thị nó không thay đổi gì nhiều. Sự đề phòng của người Nhật có khi còn nhiều hơn trước.

"Ở Nhật, báo đài đưa rất nhiều tin xấu, như du học sinh trộm cắp hoa quả, hay là vụ án hại người gì đó…

"Nên bây giờ nếu các bạn du học sinh tự mình đi thuê nhà thuê cửa thì thực sự rất là khó," anh Toản cho biết.

Trần Quốc Toản (ngoài cùng bên phải hàng dưới) cùng các thầy cô giáo và bạn đại học
Chụp lại hình ảnh, Trần Quốc Toản (ngoài cùng bên phải hàng dưới) cùng các thầy cô giáo và bạn đại học

'Nên tập trung hai năm đầu cho việc học'

Sau khi ra trường và đi làm, kỹ sư Toản giao lưu và giúp đỡ nhiều du học sinh/thực tập sinh người Việt thông qua nhà thờ Kawaguchi.

Toản cho biết anh biết nhiều du học sinh phải vay nợ nhiều để sang Nhật, nên 'có tư tưởng phải trả nợ' hay đi làm nhiều vì 'thu nhập bên này cao'.

Theo anh, thật đáng tiếc nếu các du học sinh không dành thời gian cho việc chính của mình là việc học

"Nếu các bạn thực sự muốn học thì hãy sang thôi, mà nếu đã muốn học rồi thì hai năm đầu tiên nên tập trung cho việc học," kỹ sư Trần Quốc Toản nhắn nhủ cùng các du học sinh thế hệ sau.

Anh nói thêm có đi làm thêm, các du học sinh cũng chỉ nên đi làm thêm trong thời gian mà nhà nước Nhật cho phép là 28 giờ.

Làm thêm khi mới sang Nhật
Chụp lại hình ảnh, "Khi mới sang, tất nhiên là tiếng Nhật cũng còn bỡ ngỡ, công việc thì cũng phải đi làm thêm", anh Toản nói

"Nếu thiếu kinh tế 5-10 triệu nữa thì mong nhờ bố mẹ trợ giúp cho, để chuẩn bị cho tiếng Nhật và các kiến thức khác trước khi vào trung cấp hai đại học được ngang bằng hoặc trên người Nhật.

"Thực sự người Nhật người ta cũng không có giỏi vượt trội nhiều.

"Tiếng mình đã kém hơn rồi thì mình phải xác định kiến thức chuyên môn của mình phải giỏi hơn.

"Hai năm đầu là hai năm rất quan trọng," anh Toản nhấn mạnh.

Anh Toản cho biết nếu học tốt, sau hai năm, du học sinh có nhiều cơ hội thi vào các trường đại học quốc lập và được cấp học bổng.

"Trường quốc lập thì học phí đã rẻ rồi, nhưng đối với sinh viên ngoại quốc như chúng em, cứ xin là người ta lại giảm cho một nửa học phí nữa.

"Và có những tổ chức phi lợi nhuận lại còn cấp thêm tiền học cho bọn em nữa thì bọn em hầu như là dôi kinh phí," Toản chia sẻ.

Trần Quốc Toản cùng sơ Maria Lang trước cửa nhà thờ công giáo ở Kawaguchi, nơi anh dạy tiếng Nhật tình nguyện cho nhiều du học sinh/thực tập sinh người Việt
Chụp lại hình ảnh, Trần Quốc Toản cùng sơ Maria Lang trước cửa Nhà thờ Thánh Peter ở Kawaguchi, nơi anh dạy tiếng Nhật tình nguyện cho nhiều du học sinh/thực tập sinh người Việt

Được hỏi về dự định cho tương lai, kỹ sư Trần Quốc Toản cho biết anh có hai dự định lớn.

"Một là đưa kỹ thuật về bên Việt Nam. Hai là chuẩn bị cho các bạn sắp sang Nhật có những kiến thức chính xác và đi đúng hướng hơn bây giờ."

Hiện tại Toản đang cùng với một số người Việt làm tình nguyện viên dạy tiếng Nhật cho du học sinh và thực tập sinh Việt ở Nhà thờ Thánh Peter, Kawaguchi.

Trong tương lai, anh nói anh muốn làm cho một tổ chức nào đó để "đưa tiếng nói và sự hỗ trợ của những người có tâm huyết đến với các bạn [du học sinh] được nhiều hơn".