Vì sao tôi bỏ tiền túi dựng nhạc kịch Kiều ở Paris?

  • Quốc Phương
  • BBC Tiếng Việt
Nhạc kịch Kim Vân Kiều

Nguồn hình ảnh, Kim Vân Kiều Le Musical

Chụp lại hình ảnh, Vở nhạc kịch Kim Vân Kiều do Bùi Xuân Quang chuyển thể và do Christophe Thiry đạo diễn được trình diễn năm đêm ở thủ đô Paris của Pháp vào tháng Sáu năm 2017.

Một nhà hoạt động văn hóa người Việt Nam từ Paris kể chuyện ông bỏ tiền túi cả trăm ngàn euro ra sao để giàn dựng và công diễn nhạc kịch với phong cách nhạc Pop về Kim Vân Kiều tại Pháp.

Ông Bùi Xuân Quang, người chủ trì một số giải thưởng văn hóa, văn học từ Pháp cho Việt Nam như giải thưởng 'Nguyễn Chí Thiện' và đồng chủ trì 'La Frémillerie', nhà xuất bản đầu tiên và chuyên nghiệp của người Việt Nam tại Pháp, chia sẻ về quyết định này sau khi ông hỏi ý kiến thân hữu là nên sử dụng số tiền này ra sao giữa việc 'mở tiệm ăn' và dành để 'làm văn hóa'.

Nhưng trước hết, nhà hoạt động có vài lời chia sẻ với BBC Tiếng Việt về bản thân và các hoạt động văn hóa Việt Nam của ông cùng với các thân hữu, đồng nghiệp tại Pháp.

"Tôi ở Paris đã lâu rồi, có thể nói là đến 60-70 năm rồi, nhưng tôi rất gắn bó với vấn đề văn hóa Việt Nam, thành ra chúng tôi với anh Huỳnh Quốc Tề lập ra một nhà xuất bản gọi là La Frémillerie," ông Bùi Xuân Quang nói với BBC hôm 26/8/2018.

Ông Bùi Xuân Quang

Nguồn hình ảnh, BBC News Tiếng Việt

Chụp lại hình ảnh, Nhà xuất bản La Frémillerie cũng xuất bản các tác phẩm bằng tiếng Việt, như 'Ngồi hong váy ướt' của nhà văn Võ Thị Hảo - tập truyện đã được trao giải thưởng Nguyễn Chí Thiện

"Có lẽ đây là Nhà xuất bản duy nhất của Việt Nam và cũng là Nhà xuất bản cuối cùng vì làm nhà xuất bản ở Pháp với những điều kiện xuất bản ở Pháp rất khó. Có những nhà xuất bản lấy tên xuất bản nhưng không phải là Nhà xuất bản chuyên nghiệp.

"Tôi lo về vấn đề Việt Nam, thành thử là chúng tôi có dịch được cuốn sách của anh Hoàng Minh Tường, cuốn 'Thời của Thánh Thần' (Le temps des Génies Invincibles) rất hay, rất quý, thành ra cũng thành công đối với người Pháp, họ cũng thích mua. Có một tác giả bây giờ đang nổi tiếng là anh Tạ Duy Anh, chúng tôi đã dịch tác phẩm 'Lão Khổ' (Sur le dos du buffle) của anh Tạ Duy Anh.

"Chúng tôi cũng rất hãnh diện làm những chuyện cho văn học Việt Nam. Riêng đó, chúng tôi cũng in bằng tiếng Việt, ví dụ sách của chị Võ Thị Hảo 'Ngồi Hong Váy Ướt - tập truyện', như chúng tôi đã nói chị Hảo đã được trao giải thưởng Nguyễn Chí Thiện để vinh danh nhà văn nữ này."

Đến với câu chuyện hơn một năm về trước sử dụng tiền nguồn riêng của gia đình để thuê giàn dựng và biểu diễn một vở kịch trên sân khấu chuyên nghiệp tại Paris, nhà hoạt động văn hóa Bùi Xuân Quang nói:

"Về mặt cá nhân, tôi quen biết rất nhiều những kịch sỹ, những diễn viên kịch, nhà giàn cảnh (đạo diễn), đến lúc mà con trai tôi - con trai tôi ít sài tiền lắm và cũng không có tiền nhiều, nhưng mà con tôi nói 'Bây giờ bố muốn mua nhà thì con giúp bố 200 ngàn euro, hoặc bố làm gì thì làm'.

"Thì tôi lấy 200 ngàn euro đó hỏi bạn bè tôi: 'Bây giờ mình mở tiệm ăn hay làm gì? Hay làm Kim Vân Kiều?' - thì các bạn Pháp, bạn Việt Nam nói 'Làm Kim Vân Kiều', thành ra cái đó tôi thấy trách nhiệm của tôi."

'Chỉ Kim Vân Kiều là xứng đáng'

Ông Bùi Xuân Quang (phải)

Nguồn hình ảnh, BBC News Tiếng Việt

Chụp lại hình ảnh, Cuốn 'Thời của Thánh thần' của Hoàng Minh Tường đã được Nhà xuất bản La Frémillerie, mà ông Bùi Xuân Quang là đồng chủ trì, dịch và giới thiệu cho bạn đọc ở Pháp và hải ngoại

Nhà hoạt động văn hóa từ Pháp chia sẻ ông đã chi dùng khoảng tài chính cá nhân này ra sao để đưa Kim Vân Kiều lên sân khấu nhạc Pop ở Paris, cùng sự đón nhận của công chúng Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại chỗ ra sao.

"Lúc tôi có cơ hội mà làm một tác phẩm, có 200 ngàn Euro để mà xài, thì chỉ có Kim Vân Kiều là đáng thôi, thành ra chúng tôi đã làm một nhạc kịch Kim Vân Kiều, gọi là 'Kim Vân Kiều - le Musical' với 125 ngàn Euro, rồi làm thêm một Opera nữa của Bernard de Vienne," ông Bùi Xuân Quang nói.

"Hai cái khác nhau vì cái kia là Opera nhạc hiện đại là 55 ngàn Euro, còn Kim Vân Kiều - le Musical là 125 ngàn Euros, còn tiền để dành, có một số tiền chúng tôi gửi về Việt Nam xây nhà bên Việt Nam, xây những nhà vô gia cư, gọi là nhà tình thương, chúng tôi xây được ba cái nhà, mỗi cái nhà là 3.500 Euros."

Và nhà hoạt động văn hóa, từ thiện từ Paris chia sẻ thêm về vở nhạc kịch Kim Vân Kiều mà ông miêu tả việc giàn dựng và chuẩn bị cho ra mắt đến như một 'phép lạ', ông nói:

"Vở Musical gần như là một phép lạ vì rất khó. 'Nàng Kiều' đến gần cuối rồi, đến cuối tháng Sáu là diễn, mà tháng Tư tôi chưa tìm ra [diễn viên chính], đổi hoài, đổi hoài, đổi hoài... Rồi cuối cùng tự nhiên có một cô đó 'rất tầm thường', nhưng mà cô có 'personalité' [tính cách], thì chúng tôi thử. Càng thử chúng tôi thấy càng hay, càng hay.

Nhạc kịch Kim Vân Kiều

Nguồn hình ảnh, Kim Vân Kiều Le Musical

Chụp lại hình ảnh, Tác phẩm giúp cho công chúng Pháp và Việt Nam ở hải ngoại gần hơn và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, theo ông Bùi Xuân Quang

"Ở trong Kim Vân Kiều, cô diễn viên mà đóng vai nàng Kiều là 'tuyệt diệu' và tất cả những người hát trong vở Kim Vân Kiều đều là nghệ sỹ hát Opera hết, nhưng cái này là nhạc Pop và họ chịu hát nhạc Pop, và họ hát rất giỏi, không phải như ca sỹ thường."

Nhà hoạt động cho biết về phản ứng của công chúng, ông nói:

"Phản ứng rất tốt, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, đây như một 'phép lạ', không phải tôi tài giỏi gì đâu, nhưng có những duyên gì đó đến một lúc. Rất ngạc nhiên. Có một anh bạn thân của tôi, nhưng không làm việc với nhau lắm, anh tên là Từ Nguyên, anh gặp tôi, anh đứng dậy bắt tay nói: "Anh làm hay lắm, tôi đi coi hai lần luôn!"

"Thành ra đó là câu mà tôi thấy là họ cám ơn tôi và ủng hộ tôi nhiều nhất. Còn những câu khác không quan trọng lắm."

Về phản ứng các khán thính giả Việt Nam ở địa phương và khán giả Pháp, ông Bùi Xuân Quang cho biết:

"Nói chung là rất tốt, chúng tôi muốn làm lại một lần nữa ở Paris, nhưng mà thuê phòng, thuê đồ rất khó. Những người đi coi trong năm ngày thì độ 550 người. Người Pháp chiếm 2/3 còn 1/3 là người Việt Nam. Nếu chúng tôi làm một tháng thì bắt đầu có khách thực sự.

Nhạc kịch Kim Vân Kiều

Nguồn hình ảnh, Archive Bui Xuan Quang

Chụp lại hình ảnh, Vở nhạc kịch Kim Vân Kiều đã được phát hành thành các ấn bản DVD.

"Nhưng làm một tháng mà thuê một khán phòng ở Paris là không phải chuyện chơi đâu, rất khó, số tiền chúng tôi đặt ra thì xong rồi, đây là không nói chuyện thu lại, thu lại lặt vặt thôi, còn số tiền đưa ra là đưa luôn, thành ra số tiền 200 ngàn euro, 170 ngàn chúng tôi đưa ra là đưa luôn."

"Ai cũng hỏi kéo (thu) về được bao nhiêu? Kéo về không ăn thua gì hết, cái này tất cả những gì về văn hóa đều phải có tài trợ 'sponseur', ở Pháp cũng vậy, Opera Bastille, Festival Aix-en-Provence đều phải có tài trợ, thành ra chuyện đó không có ngại."

Lý do chọn Kiều và đặc trưng Việt Nam?

Khi được hỏi đâu là lý do chính của việc lựa chọn Kim Vân Kiều và giàn dựng nhạc kịch này, nhà hoạt động văn hóa nói:

"Nếu tôi không làm, thì con trai tôi không bao giờ biết Kim Vân Kiều là gì hết, thành ra anh chàng bỏ ra 200 ngàn euro, nhưng anh mua được Truyện Kiều, thì cái đó quan trọng nhất, vì một đứa con trai, hai đứa con trai, ba đứa con gái, tụi trẻ như vậy, 30 tuổi, 40 tuổi biết Truyện Kiều là quan trọng nhưng không bao giờ họ biết Kiều đâu.

"Mấy ông già mà ngồi nói Truyện Kiều, họ chán, họ chạy trốn hết, thành thử mình phải làm gì cho mới mẻ, nhưng tinh thần, cái hay của Kiều vẫn tới đó được. Tôi thấy cũng như West Side Story chẳng hạn, bạn trẻ đâu có coi Romeo & Juliet, phải không? Họ đâu có đi coi bi kịch, nhưng West Side Story ai cũng coi hết.

Nhạc kịch Kim Vân Kiều

Nguồn hình ảnh, Kim Van Kieu Le Musical

Chụp lại hình ảnh, Công chúng yêu nghệ thuật ở Pháp và Đức đều rất thích và 'mê' Kim Vân Kiều, theo ông Bùi Xuân Quang

"Nhưng tôi không dám ví, chỉ lấy một ví dụ để chứng minh là rất quan trọng là làm cái gì mới về Kim Vân Kiều để cho người trẻ biết Kim Vân Kiều là gì. Vì Kim Vân Kiều là một tác phẩm phổ quát, không chỉ cho Việt Nam đâu. Người Đức rất mê Kim Vân Kiều, người Pháp rất mê Kim Vân Kiều, nhưng phải đưa Kim Vân Kiều đến với họ."

Giải thích điều gì làm cho người Pháp, hay người Đức thích thú, hay quan tâm, hay như chữ được sử dụng là 'mê' Kim Vân Kiều, ông Bùi Xuân Quang nói:

"Kim Vân Kiều, nàng Kiều là người đàn bà trái ngược với Antigone, Antigone là nhân vật của Tây phương sống và chết cho sự thật, hy sinh. Còn Kiều, sự chịu đựng của Kiều đi đến cùng, thành ra Kiều cũng như một người mà không dám gọi là 'thánh', nhưng mà là một người đàn bà lý tưởng, chịu đựng được, cũng như Quan Âm Thị Kính.

"Nghĩa là chịu đựng và từ cái chịu đựng đó mà thoát được, còn Antigone bằng cái óc, cái 'volonté' mà thắng, còn Kiều là bằng lòng thương mà thắng."

Cốt truyện Kim Vân Kiều được cho là có nguồn gốc từ một đất nước khác và một nền văn học khác so với Việt Nam, trước câu hỏi ở đây có gì liên quan tới văn hóa Việt Nam hay không, nhà hoạt động văn hóa trả lời:

Nhạc kịch Kim Vân Kiều

Nguồn hình ảnh, Kim Vân Kiều Le Musical

Chụp lại hình ảnh, Câu chuyện về nàng Kiều qua bút pháp của Nguyễn Du đã vượt qua mọi biên giới ngăn cách văn hóa và trở thành phổ quát nhân loại, theo ông Bùi Xuân Quang, người chuyển thể tác phẩm cho nhạc kịch.

"Phóng viên muốn nói đến 'nước lạ' phải không? 'Nước lạ' không quan trọng, vì tất cả những kịch của Pháp, Le Cid chẳng hạn, cũng không phải của Pháp, tại vì chuyện đó không quan trọng, quan trọng là mình đem đến cái gì.

"Ví dụ như Odysse cũng không phải của Pháp, tất cả những kịch của Pháp đều lấy từ chỗ khác, Corneille, Racine là vậy, không sao hết. Đó là mình hơi mặc cảm, nhưng cái này là mình hay hơn cái gì mình lấy, nên có gì mặc cảm đâu?"

Khi được hỏi liệu có gì là đặc thù văn hóa Việt Nam ở trong câu chuyện về Truyện Kiều này, ông Bùi Xuân Quang đáp:

"Đặc thù là vì Nguyễn Du, cái gì mà qua Nguyễn Du rồi thì không có gì Tàu (Trung Quốc) nữa, còn hoàn toàn Việt Nam.

"Nếu không phải là Nguyễn Du, thì có thể là Trung Quốc đó nghe, nếu một ông cứ chép lại là thành Trung Quốc, nhưng qua Nguyễn Du thì thành Việt Nam.

"Mình không sợ, vấn đề là vấn đề về con người, văn hóa Việt Nam vẫn có từ Trung Quốc qua phải không, nhưng khi nào có con người Việt Nam là hết Trung Quốc rồi," nhà hoạt động văn hóa và thiện nguyện từ Paris nói với BBC Tiếng Việt.

Cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện trong loạt bài ghi chép những câu chuyện về người Việt đó đây trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có phỏng vấn các giới hoạt động, nghiên cứu văn hóa, hoạt động xã hội, thiện nguyện, nhân chứng lịch sử, doanh nhân, nhà khoa học v.v...