Thanh toán bằng nhân dân tệ là ‘xu hướng trên thế giới’

Việt Nam, tiền tệ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Trên thực tế, đồng nhân dân tệ đã được người Việt ở các tỉnh biên giới giáp TQ sử dụng từ lâu

Một chuyên gia kinh tế nói với BBC là việc dùng nhân dân tệ để thanh toán "cũng là một xu hướng trên thế giới" nhưng vấn đề đang bị nhìn dưới góc độ chính trị hơn là kinh tế.

Những ngày này, mạng xã hội xôn xao bàn luận về việc Chính phủ Việt Nam chính thức cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ trong việc mua bán hàng hóa tại các tỉnh dọc biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.

Trong một tuyên bố trên website hôm 29/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay các thương nhân, người dân, các ngân hàng và tổ chức có liên quan tham gia vào giao dịch xuyên biên giới sẽ được phép sử dụng đồng nhân dân tệ, hoặc đồng Việt Nam để thanh toán bắt đầu từ ngày 12/10/2018.

Hôm 3/9, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói với BBC: "Tôi được biết là thông tư (19) của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã chi tiết hóa các văn bản khác, trong đó có nghị định của Chính phủ Việt Nam cho trường hợp Việt Nam-Trung Quốc."

"Theo nghị định này, "Hoạt động thương mại biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới" (tức là các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia). Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp dùng tiền của các nước khác trong thanh toán như vùng Bắc Phi hay Thụy Sỹ đối với đồng euro, Việt Nam đối với đôla..."

"Thực ra, việc dùng nhân dân tệ trong thanh toán cũng là một xu hướng trên thế giới, khi mà Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế đứng đầu thế giới."

"Cần biết rằng IMF đã đưa nhân dân tệ vào giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế từ 2016 bên cạnh đôla, euro, bảng Anh và yên Nhật. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã bắt đầu cơ cấu một phần dự trữ của mình bằng nhân dân tệ."

Trong khi đó Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói thêm: "Tôi nghĩ vấn đề "nóng" ở đây liên quan đến chính trị nhiều hơn là đơn thuần về kinh tế. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn hiện hữu và còn nhiều tranh cãi về dự luật về các đặc khu kinh tế."

thông tư

Nguồn hình ảnh, luatvietnam.vn

Chụp lại hình ảnh, Thông tư 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối với hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, trong một văn bản gửi tới BBC Tiếng Việt hôm 03/09/2018 mô tả điều được gọi là Thông tư 19 là để "khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay" trong khi "tạo thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới".

"Thông tư này đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng CNY tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng tinh thanh của pháp lệnh ngoại hối; đồng thời tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ.

"Việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới và khu vực sử dụng.

"Trong thanh toán quốc tế, nhiều quốc gia về cơ bản đều không có hạn chế đối với việc lựa chọn đồng tiền trong thanh toán quốc tế và một số nước còn cho phép thực hiện đầu tư lẫn nhau bằng đồng bản tệ, từ đó tăng cường hội nhập kinh tế và tài chính giữa các quốc gia với nhau.

"Đối với thực tiễn Việt Nam, thanh toán bằng đồng bản tệ của các nước có chung đường biên giới (như Lào, Campuchia, Trung Quốc) được thực hiện từ nhiều năm nay," ông Nguyễn Ngọc Minh viết trong văn bản này .

Được biết Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc có Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới ký ngày 19/10/1998.

Hai nước vào 12/09/2016 ký Hiệp định thương mại biên giới theo đó việc thanh toán trong thương mại biên giới do doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới và cư dân biên giới thỏa thuận.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dường như đang cố gắng giảm thiểu rủi ro từ các giao dịch bằng đô la Mỹ, bài viết trên Nikkei Asian Review nhận định.

Đầu tháng 8 năm nay, Nigeria là nước châu Phi đông dân hàng đầu quyết định sẽ xem xét việc dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để làm dự trữ ngoại hối

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Đầu tháng 8 năm nay, Nigeria là nước châu Phi đông dân hàng đầu quyết định sẽ xem xét việc dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để làm dự trữ ngoại hối

Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt quá 100 tỷ đôla, và hầu hết các giao dịch được thanh toán bằng đô la Mỹ. Điều này tạo ra nguy cơ về ngoại hối cho cả hai bên.

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.

Khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, đồng nhân dân tệ đã suy yếu 6% so với đồng đô la Mỹ trong sáu tháng qua.

Một phần vì Bắc Kinh được xem là chủ ý phá giá đồng nhân dân tệ để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Trong khi đó, tỷ giá tiền đồng của Việt Nam đã giảm chỉ 2% trong cùng kỳ, chủ yếu là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng đôla, kéo dòng tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi.

"Các nhà xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đang mất đi khả năng cạnh tranh" vì giá trị của tiền đồng trong mối tương quan với đồng nhân dân tệ, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu được Nikkei Asian Review dẫn lời.

"Tình hình này nới rộng thêm thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc".

Quyết định của Việt Nam cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ trong "một số lĩnh vực cụ thể có thể là một bước tiến tới quốc tế hóa đồng tiền này, vì đồng nhân dân tệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong số các ngoại tệ trên thế giới", ông Hiếu nói.

Ở các thị trấn biên giới tại Việt Nam, đồng nhân dân tệ đã được sử dụng rộng rãi - mặc dù bất hợp pháp - trong nhiều năm. Trần Long, một thương nhân Việt Nam sống ở Móng Cái, cho biết ông chi trả cho mọi thứ trong thành phố bằng đồng nhân dân tệ.

"Nếu nhân dân tệ được hợp pháp hóa và tự do sử dụng ở Việt Nam, các công ty Việt Nam sẽ thuận tiện hơn trong giao dịch thương mại với Trung Quốc," ông nói với tạp chí Nikkei Asian Review.

'Thúc đẩy tăng trưởng'

Việt Nam, tiền tệ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Quốc Vượng gặp ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 20/8/2018

Năm ngoái, tờ Global Times của Trung Quốc trích lời đại sứ Bắc Kinh tại Hà Nội, Hồng Tiểu Dũng, rằng "việc sử dụng nhân dân tệ [ở Việt Nam] giúp thúc đẩy sự ổn định, tăng trưởng, cân bằng và bền vững trong các trao đổi thương mại và kinh tế song phương".

Trang Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 30/08 có bài nói việc Việt Nam cho dùng đồng nhân dân tệ ở bảy tỉnh biên giới với Trung Quốc chỉ là một sự tiến triển từ thỏa thuận đã cho trao đổi đồng tiền này trong giao dịch liên ngân hàng hồi 2004.

Tân Hoa Xã cũng nói Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hàng hóa trị giá 23,4 tỷ đôla chỉ trong tám tháng đầu năm 2018, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng chú ý vấn đề để 'tránh đòn' trong chiến tranh thương mại với Mỹ, hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ được 'tuồn sang Việt Nam' nhiều hơn trước.

Có ý kiến còn cho rằng việc dùng đồng nhân dân tệ ở Việt Nam sẽ giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình này.

Đầu tháng 8/2018, Nigeria là nước châu Phi đông dân hàng đầu quyết định sẽ xem xét việc dùng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để làm dự trữ ngoại hối.