Niềm tự hào 'văn hóa trễ nải' của người Brazil

  • Lucy Bryson
  • BBC Travel
Daniel J Hoffman

Nguồn hình ảnh, Daniel J Hoffman

Tôi vẫn còn co rúm lại khi nhớ về cái buổi tối tôi đã đến dự một buổi tiệc tại tư gia đúng giờ ở Rio de Janeiro.

Bữa tiệc nhớ đời

Ba tháng sau khi từ Manchester, Anh quốc, chuyển đến Rio, tôi được mời đến một bữa tiệc nướng thân mật vào một tối thứ Bảy.

Người mời tôi là người bạn mới quen mà tôi có dịp chạm mặt xã giao với số lần vừa đủ cho tình bạn bắt đầu nảy nở.

Tuy nhiên, khi tôi xuất hiện ở cửa nhà cô ấy trễ một vài phút so với thời gian mà cô bảo tôi đến, người bạn mới này của tôi trông giật mình đến nỗi tôi tưởng là mình đã nhớ lầm ngày.

Quàng trên người chiếc khăn tắm và trên người vẫn còn ướt vì mới tắm xong, cô ấy ra dấu chỉ vào căn phòng khách chất đầy những túi thức ăn mới mua và hàng đống trang phục nói nửa đùa nửa thật: "Ainda nao estou pronta!" - "Tôi vẫn chưa sẵn sàng."

Mọi cố gắng của tôi để giúp được gì cho cô ấy trở nên vô ích; vốn là người ăn chay cho nên ở bữa tiệc thịt nướng này khả năng có ích thực tế của tôi trở nên rất giới hạn.

Cô bạn bật tivi lên cho tôi, và tôi giả vờ chìm đắm trong gameshow lòe loẹt trên truyền hình trong khi cô lượn qua lượn lại phòng khách để trang điểm cho mình cũng như trang hoàng không gian buổi tiệc.

Khoảng 40 phút sau tôi bắt đầu lo lắng rằng không có ai khác đến nữa, nhưng gia chủ trông có vẻ hoàn toàn không có gì lo lắng cả và, thật ra là, khoảng một tiếng đồng hồ sau giờ khai tiệc là 20:30, các vị khách mới bắt đầu túc tắc tới. Khoảng ba tiếng sau thì căn nhà đã chật kín người.

Với việc xuất hiện gần như đúng giờ, tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong giao tiếp. Ở một đất nước nổi tiếng với phong cách thoải mái trong việc đúng giờ thì người dân Rio nổi tiếng là những người hay sai giờ nhất.

Văn hóa trễ nải

"Đến dự tiệc đúng giờ là một hành động khó coi ở bất cứ nơi nào ở quốc gia này, nhất là ở Rio," Tiến sỹ Jaqueline Bohn Donada, giáo sư văn học Anh tại khu học xá Curitiba của Đại học Kỹ thuật Liên bang Paraná ở nam Brazil, giải thích. "Nó cũng khó coi như việc bạn xuất hiện ở một bữa tiệc mà không hề được mời!"

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Sự kết hợp của lối sống không vội vã kiểu 'cuộc đời là bãi biển' ở Rio cùng với sự trễ nải trong giao thông hay là do vô tình chạm mặt một người bạn cũ ngoài đường có nghĩa là Cariocas (dân Rio gốc) đã học được rằng họ không thể mong chờ hay đánh giá cao sự đúng giờ tại các sự kiện giao tiếp.

Những kế hoạch được sắp xếp kỹ càng nhất cũng thường xuyên bị trục trặc ở Rio, và việc chấp nhận rằng bản thân chủ nhân của các bữa tiệc cũng trễ nải là một thái độ lịch sự.

"Nguyên tắc ngầm ở đây là gia chủ sẽ đợi cho đến đúng thời gian bữa tiệc bắt đầu như lời mời và chỉ đến lúc đó họ mới bắt đầu nghĩ đến việc đi tắm," Fiona Roy, một phiên dịch viên tiếng Bồ Đào Nha - tiếng Anh đến từ Anh quốc và đã sống ở Rio de Janeiro được sáu năm, giải thích.

Ngôn ngữ Bồ Đào Nha của người Brazil phản ánh điều này, với những từ ngữ chỉ cụ thể về thời gian không có từ tương đương trong tiếng Anh.

Động từ 'atrasar' có thể được dịch ra là 'trễ' hay 'khiến cho bị trễ', còn động từ 'demorar' dịch thoát ra là 'mất nhiều thời gian'. Một người được cho là 'muito enrolado/a' ('rất lu bu' theo nghĩa đen) nhiều khả năng sẽ rất 'demorar' hay 'atrasar'. Một vấn đề mà phải mất nhiều thời gian để giải quyết là 'abacaxi' hay 'trái dứa' (được gọi như vậy là do việc gọt vỏ xù xì của nó là một công việc gian nan).

Tuy nhiên, những ai đến đúng giờ, thì được cho là tuân theo 'hora inglesa', có nghĩa là 'Giờ Anh' theo nghĩa đen - sự thừa nhận về tầm quan trọng của sự đúng giờ ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ và Anh.

Niềm tự hào dân tộc

Một sai lầm nữa mà tôi phạm phải trong những tháng đầu tiên chuyển đến Rio và cứ tin những gì dân Rio nói theo đúng nghĩa đen.

Sau một số lần chờ đợi đến dài cổ (trong đó có lần đợi đến hơn hai tiếng đồng hồ ở một quán bar cho lần hẹn hò đầu tiên), tôi học được rằng cụm từ 'estou chegando' ('Tôi đang đến') không bao giờ nên tin là đúng như vậy.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Thay vì có nghĩa là người đó sắp sửa đến thì cụm từ này chỉ đơn giản có nghĩa là ai đó định là sẽ đến vào lúc nào đó - cho dù là trong vòng năm phút hay hai tiếng nữa.

"Trễ nải là một đặc tính quốc gia nhưng điều này chắc chắn được thể hiện rất rõ nét ở Rio hơn là những nơi khác," Tiến sỹ Bohn Donada giải thích.

"Ở Rio, nếu ai đó nói rằng 'estou chegando' thì không ai hiểu rằng đúng như vậy. Tôi từng có một ông sếp gọi điện từ nhà nói rằng ông ấy bị kẹt xe nhưng sắp sửa đến nơi, nhưng chúng tôi thật sự nghe tiếng nước vòi sen trong phòng tắm của ông ấy! Ở miền nam này điều đó sẽ làm cho chúng tôi nổi giận, nhưng ở Rio thì điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được."

Thái độ xuề xòa đối với việc đúng giờ ở Brazil không phải là điều gì mới mẻ. Trong cuốn sách xuất bản vào năm 1933 'Brazilian Adventure: A Journey Into the Heart of the Brazilian Amazon', tác giả Peter Fleming đã khái quát một cách ngắn gọn rằng 'một người vội vã sẽ là một người khốn khổ ở Brazil'.

Không phải là không có lý do mà tác giả đưa ra nhận định này trong chương viết về Rio của cuốn sách. Trong đó, Fleming viết: "Trễ nải ở Brazil là khí hậu. Bạn chung sống với nó. Bạn không thể thoát khỏi nó. Không thể làm gì được để thay đổi nó. Tôi nghĩ rằng người dân Brazil sẽ xem đó là một niềm tự hào khi họ có một đặc tính tự nhiên mà hoàn toàn không thể làm ngơ. Không có quốc gia nào khác có niềm tự hào giống như vậy."

Đừng quá trễ

Cô Simone Fonseca Marrek, một người Cariocas hiện đang sống ở Đức, thừa nhận rằng việc thích nghi với lịch trình làm việc ít linh động của người Đức là điều phải mất thời gian làm quen.

"Khi tôi đến sớm một vài phút trong một buổi thuyết trình ở công ty mà tôi vừa mới bắt đầu làm việc, đã có khoảng 20 người đã đợi tôi ở đó, và mặc dù tôi không hề đến trễ, tôi có cảm giác như là tôi đã trễ bởi vì tất cả họ đều đã sẵn sàng và đợi đến đúng giờ bắt đầu," cô nói.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Như Fleming đã trình bày trong cuốn sách của ông, không có ích gì khi phản ứng bằng cách giận dữ với sự trễ nải của người Cariocas bởi vì cách phản ứng đó sẽ không đi đến đâu ngoại trừ nó khiến cho bạn cứ bị bực mình.

Sự hấp dẫn của Rio không phải là ở những nỗ lực để thiết lập trật tự mà là ở nhịp độ cuộc sống thoải mái.

"Tôi cho rằng chúng tôi thường xuyên trễ nải là vì chúng tôi là những người lạc quan," Fonseca Marrek nói. "Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được nhiều thứ mà vẫn còn thời gian để đến các buổi hẹn - và nếu chúng tôi không làm được thì cũng không sao."

Nhưng ngay cả người Cariocas cũng vạch ra lằn ranh ở đâu đó, và có những giới hạn tự nhiên (nếu không muốn nói là ngầm hiểu) đối với việc bạn có thể trễ tới mức nào.

"Tôi thích thái độ dễ dãi đối với việc đúng giờ và không bị áp lực phải đến nơi đúng giờ," Roy nói. "Nhưng có một lần vào ngày sinh nhật của tôi, mấy người bạn tổ chức tiệc cho tôi ở một quán rượu. Tôi đã dành cả ngày và nửa buổi tối để phủ lớp kem cho bánh và chuẩn bị sẵn sàng, và cuối cùng khi tôi đến quán rượu thì đã quá trễ khi quán sắp đến giờ đóng cửa. Lần đó tôi đã đi quá xa."

Fonseca Marrek nói rằng mặc dù người Cariocas ít nhất cũng cố đến đúng giờ trong các buổi họp công việc, nhưng họ sẽ không làm như vậy khi gặp bạn bè hay hội hè. "Chúng tôi có thể đến bất cứ lúc nào mình muốn, nhưng chắc chắn là phải chậm ít nhất 30 phút sau giờ bắt đầu theo lời mời."

Đó là một bài học mà tôi đã học được một cách ngỡ ngàng tại buổi tiệc nướng đầu tiên đó, và đó là bài học mà tôi không bao giờ quên trong khoảng thời gian chín năm sống ở Rio.

Thật ra, tôi đã nhanh chóng trở nên thành thạo trong việc đến muộn một cách đúng điệu, đến mức mà tôi thường xuyên xuất hiện muộn hơn những người bạn là dân Cariocas - những người sẽ gõ vào cổ tay để giả vờ bực tức và nói với tôi rằng "virou Brasileira" - "Cậu đã trở thành người Brazil rồi đấy."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.