Đọc "Ký" của Đinh Quang Anh Thái

  • Bùi Văn Phú
  • Gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose, Hoa Kỳ
Ký 1 và Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái [Nxb Người Việt, 2018)

Nguồn hình ảnh, Bui Văn Phú

Chụp lại hình ảnh, Ký 1 và Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái [Nxb Người Việt, 2018)

Hai tập "Ký" và "Ký 2" của Đinh Quang Anh Thái thuộc thể loại ký sự nhân vật, trong đó tác giả ghi lại những nét đặc biệt và hoạt động của nhiều người Việt, đặc biệt là những người từng bị tù cộng sản và những người phải sống lưu vong trong gần nửa thế kỷ qua.

Vào tù cộng sản lâu nhất là ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, tất cả 27 năm. Một người mà Đinh Quang Anh Thái quen biết, làm bạn và sống gần ông ở Quận Cam, California.

Nhờ sự vận động của nhiều người và các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhà thơ đến Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1990. Thoát khỏi ngục tù ở Việt Nam, ông kiên trì tiếp tục chống cộng một cách cương quyết khiến có kẻ bôi nhọ, tấn công ông, cho nhà thơ là Nguyễn Chí Thiện giả.

Tác giả hỏi nhà thơ sao không phản ứng, ông trả lời: "làm thế nào được, đi rừng gặp thú dữ, chẳng lẽ mở mồm xin chúng buông tha."

Đọc ký của Đinh Quang Anh Thái, mỗi nhân vật được nhắc đến đều để lại một điều gì đặc biệt.

Khi viết về nhà báo "Đỗ Ngọc Yến, con người bí ẩn" tác giả phác hoạ chân dung một nhà hoạt động thanh niên sinh viên, tuy trình độ học vấn chỉ đến mức sinh viên muôn đời, nhưng ông biết nhiều chuyện bên trong chính trường miền Nam.

Đinh Quang Anh Thái cho rằng "Cộng sản Hà Nội rất muốn có bộ trống làm bằng da Đỗ Ngọc Yến" vì trong thời gian tác giả trong tù, nhiều lần bị an ninh tra hỏi về hoạt động của ông Yến trước năm 1975. Năm Trà, phó giám đốc Công an Thành phố HCM, cho rằng Yến "ẩn dưới chiêu bài hoạt động thanh niên sinh viên để chống cộng."

Nhà báo Đỗ Ngọc Yến

Nguồn hình ảnh, Google

Chụp lại hình ảnh, Nhà báo Đỗ Ngọc Yến

Về nhà báo Đỗ Ngọc Yến, cũng như một số anh em trong chương trình CPS - Sinh hoạt Học đường - nếu ai đọc các báo cáo của CIA liên quan đến chiến tranh Việt Nam đã được giải mật sẽ thấy có nhắc đến. Riêng Đinh Quang Anh Thái dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, cựu chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà, nói: "Yến lãnh tiền của Cục Tình Báo do tôi lãnh đạo."

Có thân sinh là công chức nên Đinh Quang Anh Thái đã theo bố sống ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Mỹ Tho. Thời sinh viên ông tham gia nhiều sinh hoạt thanh niên, công tác xã hội cho đến ngày 30/4/1975.

Qua nhiều hình ảnh có trong "Ký" và những chi tiết ông kể lại là các sinh hoạt với các anh Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Ngọc Bích, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc trong trại hè Nối Vòng Tay Lớn năm 1973, 1974. Qua công tác này tác giả đã có dịp gặp gỡ nhiều sinh viên từ nước ngoài về thăm quê nhà để thấy những nỗ lực xây dựng đất nước sau Hiệp định Ba Lê 1973.

Một trong những sinh viên du học thời đó là Trần Văn Bá, từ Pháp, là một thành viên nồng cốt của Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, mà sau đó vào năm 1980 anh đã trở về để trực diện đối đầu với chế độ cộng sản, rồi bị bắt và bị Hà Nội xử bắn năm 1985.

Trong tác phẩm, tác giả tỏ lòng ngưỡng mộ với Trần Văn Bá, cũng như với nhiều người khác đã dấn thân hoạt động cho một Việt Nam tự do, dân chủ.

Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện
Chụp lại hình ảnh, Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện

Nhiều chuyện tù được tác giả kể lại, từ bát canh lõng bõng nước muối, chuyện ghẻ lở đến những sinh hoạt của tù nhân. Dí dỏm nhất là chuyện về tác giả "Phi lạc sang Tầu" Hồ Hữu Tường, một người lên tiếng vận động cho một nước Việt Nam độc lập, trung lập, thống nhất và đã phải vào tù của cả ba chế độ. Nhưng trong tù ông rất lạc quan, mơ một ngày cộng sản phải nhường quyền cho ông.

Sau bảy năm tù vì tội "in báo bí mật chống cộng sản sau 75", đến Mỹ định cư Đinh Quang Anh Thái đã làm nhiều nghề từ cắt cỏ, lái taxi trước khi làm cho tờ Người Việt, Diễn Đàn Thế Kỷ ở California, làm phát thanh với Đài Á Châu Tự Do ở Thủ đô Washington.

Qua công việc truyền thông ông đã phỏng vấn nhiều người.

Trong tập "Ký" đầu tiên tác giả phác hoạ chân dung của một số nhân vật từ miền Nam, như giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà báo Bùi Bảo Trúc, học giả Hồ Hữu Tường, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, bác sĩ Hoàng Cơ Trường. Tập "Ký 2" có những bài phỏng vấn với người miền Bắc như cựu Trung tướng Trần Độ, nhà nghiên cứu Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Dương Thu Hương.

Về Tướng Trần Độ, một vị chỉ huy quân sự và một nhà lãnh đạo văn hoá của Hà Nội, sau khi lên tiếng kêu gọi cải cách dân chủ để phát triển đất nước, đã bị khai trừ khỏi Đảng. Qua ngòi bút của tác giả, người đọc thấy cách hành xử của Bộ Chính trị tại đám tang của Tướng Độ đã để lại một vết nhơ trên mặt lãnh đạo Hà Nội.

Nhà văn Dương Thu Hương cũng đã từng phải trả giá khi bà viết lên sự thực về Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước tụt hậu. Ít khi nhà văn nữ này tiếp xúc với truyền thông Việt ngữ, nhưng bà dành cho Đinh Quang Anh Thái nhiều dịp phỏng vấn để thấy bà rất cương quyết, rất bỗ bã trong ngôn từ dành cho lãnh đạo Hà Nội, là thứ ngôn ngữ của nông dân quê mùa, theo bà như thế mới đúng bản chất của người dân chửi lãnh đạo.

Đọc "Ký" để biết nhà văn nữ sẵn sàng từ các con vì không muốn chúng bị liên lụy, để biết bà không phải là người không còn tình yêu mà thực ra vẫn còn bỏng cháy và đã có lần thầm yêu một người Mỹ gốc Áo.

Hai tập "Ký" của Đinh Quang Anh Thái là những tài liệu ghi lại nỗ lực của nhiều người Việt ở Mỹ, ở Pháp, ở Tiệp và ngay trên quê hương Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, kể từ sau biến cố 30/4/1975, để mong đem lại tự do dân chủ cho đất nước.